Vào ngày 26/11/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua nghị quyết 94/2019/QH14 về khoanh nợ thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp. Và nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.
Vậy những trường hợp nào được xóa tiền phạt chậm nộp thuế?
Theo Nghị quyết này, có 7 trường hợp được khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp (gọi chung là xử lý nợ) bao gồm:
– Người nộp thuế là người đã chết, bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự;
– Người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhưng người nộp thuế chưa hoàn thành thủ tục giải thể;
– Người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc đã bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;
– Người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế đã phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc để kiểm tra, xác minh thông tin người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế;
– Người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp…;
– Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ;
– Người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Quý anh chị có những thắc mắc về thuế, hay các vấn đề về dịch vụ kế toán cần tư vấn, vui lòng liên hệ với công ty kế toán Ngọc Hân để được giải đáp.